Hình sự

Khi nào thì được xóa tiền sự sau khi bị xử phạt hành chính?

Ngày đăng: 22-08-2022 05:02:39

Tiền án, tiền sự là gì? Nhiều người vẫn chưa hiểu về hai khái niệm này. Dưới đây là bài viết phân tích.

1. Thế nào là tiền sự, tiền án?

Tiền sự là thuật ngữ không còn quá xa lạ trong các văn bản luật cũng như đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ tiền sự là gì và cũng không ít người nhầm lẫn giữa tiền án và tiền sự.

Cho đến nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào giải thích khái niệm tiền án, tiền sự. Theo đó, đây chỉ là tên gọi khi nhắc đến một chủ thể nào đó vi phạm pháp luật và đã bị xử lý bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của văn bản pháp luật trước đây, cụ thể tại điểm b khoản 2 Mục II Nghị quyết 01 – HĐTP ngày 18 tháng 10 năm 1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (văn bản này đã hết hiệu lực) quy định về nhân thân của một người thì có thể hiểu:

“Tiền án” là khái niệm để chỉ trạng thái về nhân thân, lý lịch của một người khi họ bị Tòa án kết án, bị Tòa án tuyên bố là có tội, phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng chưa được xóa án tích. Do vậy, khi một người chưa từng bị kết án, hoặc đã bị kết án nhưng được xóa án tích được coi là người không có tiền án, chưa bị kết án. Nội dung này cũng được khẳng định tại Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015.

Còn về khái niệm tiền sự, cũng dựa trên nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Mục II Nghị quyết 01 – HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có thể hiểu “tiền sự” là để chỉ tình trạng một người bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính nhưng chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa tiền sự,v hoặc chưa đáp ứng điều kiện về thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.

2. Thời gian xóa tiền sự là bao lâu sau khi bị xử phạt hành chính?

Như đã phân tích, việc đang có “tiền án”, “tiền sự” sẽ cho thấy một người có lý lịch về nhân thân không được trong sạch, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đến công việc, đến cách nhìn nhận của người khác, của xã hội đối với họ, đồng thời là yếu tố không có lợi cho họ khi chẳng may liên quan đến một vụ việc hình sự. Chính bởi vậy, trên nguyên tắc nhân đạo, tạo cơ hội cho người có hành vi vi phạm được trở lại cuộc sống bình thường, có cơ hội làm việc và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước, trong quy định của pháp luật có quy định cụ thể về thời gian để xóa tiền án, tiền sự. Cụ thể:

  • Thời gian để xóa tiền sự:

Như đã phân tích, một người được coi là đã xóa tiền sự, không có tiền sự khi họ không có hành vi vi phạm kỷ luật, hành vi vi phạm hành chính nào hoặc họ đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính nhưng đã đáp ứng điều kiện để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, thời gian để xóa tiền sự được hiểu là thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính.

Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cụ thể:

– Đối với trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính:

Xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là việc một người có hành vi vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật bị người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

Khi một người bị xử phạt hành chính thì họ sẽ được xóa tiền sự (được coi như là chưa bị xử lý vi phạm hành chính) trong thời hạn sau đây:

+ Trường hợp cá nhân bị áp dụng biện pháp xử phạt cảnh cáo thì họ sẽ được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính (được xóa tiền sự) nếu họ không tái phạm trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt.

Trong đó, tái phạm, theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính được hiểu là việc một người lặp lại hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý trước đó trong thời gian chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt  lý hành chính hoặc ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính.

+ Trường hợp cá nhân này bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính khác, mà không phải là cảnh cáo thì người này sẽ được xóa tiền sự, được coi là chưa bị xử phạt hành chính nếu họ không có tái phạm trong thời gian 01 năm, kể từ ngày người này chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính, hoặc là kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Ví dụ: Anh T điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường nhưng chạy quá tốc độ 15 km/h nên bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Ngày 1/4/2018, anh T đã thực hiện xong quyết định xử phạt, nộp phạt vào Kho bạc nhà nước. Trường hợp này căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì sau 01 năm kể từ ngày anh T thực hiện xong quyết định xử phạt (tức là sau ngày 1/04/2019), mà anh T không có hành vi tái phạm, vi phạm giao thông chạy quá tốc độ thì anh T được coi là chưa bị xử phạt hành chính, được xác định như không có tiền sự.

– Đối với trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

Biện pháp xử lý hành chính, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, bao gồm các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng. Đây được xác định là những biện pháp được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm hành chính, vi phạm quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không được xác định là tội phạm.

Đối với những người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, họ sẽ được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu họ không có hành vi tái phạm trong thời gian gian 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Ví dụ: anh M bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với thời gian phải chấp hành là 02 năm (từ tháng 01/2016 – 31/12/2017) có hành vi nhiều lần sử dụng ma túy mà không xác định được nơi cư trú. Anh M đã chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính này và được ra trại vào ngày 01/01/2018. Trường hợp này, nếu anh M không có hành vi tái phạm – không có tiếp tục sử dụng ma túy trong suốt thời gian 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (tức là kể từ ngày 01/01/2018) thì anh M được coi là chưa từng bị xử lý hành chính, không có tiền sự.

Như vậy, qua phân tích nêu trên, có thể thấy, pháp luật luôn có quy định một khoảng thời hạn nhất định để xem xét về việc xóa tiền sự cho cá nhân, tạo điều kiện để cho họ có một nhân thân tốt, được trở lại cuộc sống bình thường, thể hiện nguyên tắc nhân đạo. Tuy nhiên cùng với việc quy định thời hạn được xóa án tích, xóa tiền sự (được coi như chưa bị xử phạt hành chính) thì đối với mỗi trường hợp đều yêu cầu người bị kết án, người bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải đáp ứng điều kiện nhất định mà một trong số đó là không có hành vi tái phạm trong thời hạn nêu trên.

Trên đây là phần ý kiến của Công  ty Luật TNHH THÀNH & Luật sư về vấn đề tiền sự và thời gian xóa tiền sự, bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.

Trân trọng & cảm ơn!             

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992