Hình sự

Xử lý hình sự đối với người vi phạm chế độ một vợ một chồng

Ngày đăng: 09-07-2022 08:28:01

1. Cơ sở pháp lý tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

– Bộ luật Hình sự hợp nhất số 01/VBHN-VPQH (Hợp nhất Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Bổ sung Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018);

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

2. Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng là gì?

Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được hiểu là trường hợp nam, nữ đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc tuy chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Việc chung sống này được chứng minh bằng việc họ có đời sống sinh hoạt chung, có tài sản chung, có con chung với nhau và được mọi người xung quanh thừa nhận là vợ chồng.

3. Các dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

Để truy cứu trách nhiệm về Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng thì cơ quan có thẩm quyền phải có nghĩa vụ chứng minh người phạm tội có các hành vi để đủ yếu tố cấu thành về tội danh này, ngược lại nếu không chứng minh được có hành vi vi phạm thì không được buộc tội.

Một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng được quy định tại Điều 182 BLHS 2015 nếu như hành vi của họ đáp ứng đủ các dấu hiệu cấu thành của tội phạm này. Bao gồm:

a. Mặt chủ thể tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

– Chủ thể của “Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng” là người có năng lực trách nhiệm hình sự và thuộc một trong hai trường hợp sau:

• Là người đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên) và đang có vợ/ có chồng

• Là người đủ 16 tuổi trở lên tuy chưa có vợ/có chồng nhưng biết rõ người kia đang có vợ/có chồng.

b. Mặt khách thể tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

Hiến pháp, Bộ Luật Hình Sự, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam ghi nhận và bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

Tội phạm này có hành vi làm phá vỡ quan hệ hôn nhân một vợ một chồng, tác động trực tiếp và làm xâm hại đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng được luật hình sự bảo vệ.

c. Mặt chủ quan tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

– Người phạm tội “vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng” được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ về tính chất pháp lý của hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn lựa chọn thực hiện.

– Động cơ phạm tội thường là xuất phát bởi ham muốn thỏa mãn tham vọng của bản thân. Người phạm tội có mục địch là nhằm xác lập quan hệ hôn nhân mới hoặc nhằm được chung sống như vợ chồng với người khác.

d. Mặt khách quan tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

Người phạm tội “vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng” có hành vi thực hiện bằng một trong hai dạng hành động:

• kết hôn trái pháp luật
• chung sống như vợ chồng với người khác

Hoàn cảnh phạm tội đối với tội danh này là : bản thân mình là người đang có vợ/ có chồng hoặc bản thân là người chưa có vợ, có chồng nhưng lại biết rõ đối tác của mình là người đã có vợ/ có chồng.

– Việc kết hôn trái pháp luật thể hiện qua việc: dùng những thủ đoạn như khai báo gian dối là chưa từng kết hôn, hoặc mua chuộc cán bộ có thẩm quyền để tiến hành kết hôn nhằm xác lập quan hệ hôn nhân mới giữa nam, nữ trong khi chính họ đang có vợ hoặc chồng.

– Chung sống như vợ chồng với người khác (trong khi bản thân là người đang có vợ, có chồng hoặc bản thân tuy chưa có vợ, có chồng nhưng lại biết rõ đối tác của mình là người đang có vợ/có chồng) được hiểu là hành vi cùng sinh sống một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.

Tuy nhiên, hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác chỉ cấu thành tội phạm khi thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

• Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
• Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

1. Trường hợp người có chồng, có vợ hợp pháp nhưng đang ly thân mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng thì vẫn bị coi là phạm vào tội này.

2. Nếu hậu quả nghiêm trọng xảy ra mà cấu thành một tội phạm khác thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó.

Ví dụ: A đi công tác xa đã chung sống với chị B như vợ chồng, nên đã tìm cách giết vợ để được chung sống với B một cách trọn vẹn. Hành vi của A bị truy cứu trách nhiệm về hai tội vì phạm chế độ một vợ một chồng và tội giết người.

4. Mức hình phạt đối với Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

4.1. Khung hình phạt cơ bản tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

4.2. Khung hình phạt tăng nặng tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

5. Xử phạt vi phạm hành chính tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

Trường hợp một người thực hiện các hành vi sau đây:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Mà chưa có hậu quả nghiêm trọng như: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; hoặc cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng thì chưa đủ yếu tố cấu thành “Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng”.

Do đó, theo khoản 1 điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, thì chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền là từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Trên đây là phần ý kiến, phân tích của Công  ty Luật TNHH THÀNH & Luật sư về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng, bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.

Trân trọng và cảm ơn!

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992