Dân sự

Cách tính thời hiệu khởi kiện trong một số vụ việc cụ thể như thế nào?

Ngày đăng: 10-10-2022 01:15:04

Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động tố tụng tại Tòa án, giúp các đương sự bảo vệ được các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Trên thực tế không ít vụ án đã bị đình chỉ chỉ vì lý do hết thời hiệu khởi kiện. Do đó việc nắm vững về thời gian được khởi kiện là một điều vô cùng quan trọng và bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về thời hiệu khởi kiện trong tố tụng dân sự cũng như góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại.

 

1.Thời hiệu thừa kế

Về thời hiệu thừa kế, theo quy định tại Điều 623 của BLDS năm 2015 thì:

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, mốc thời gian để tính thời hiệu thừa kế là thời điểm mở thừa kế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 611 của BLDS năm 2015 thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của BLDS năm 2015.

Hiện nay, về cách tính thời hiệu thừa kế đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 (ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực) có quan điểm cho rằng phải tính từ ngày mở thừa kế (người có tài sản chết) nhưng cũng có quan điểm cho rằng đối với các trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu thừa kế phải tính từ ngày 10/9/1990 theo quy định Pháp lệnh thừa kế năm 1990, BLDS năm 1995 và văn bản hướng dẫn liên quan.

Nghiên cứu quy định của BLDS năm 2015 và văn bản hướng dẫn liên quan, tác giả thấy rằng:

– Tại khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định như sau: “1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.”

– Tại Tiểu mục 1 Mục III Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TANDTC giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự hướng dẫn: “… Kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017…”

Tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015 là các trường hợp trong BLTTDS năm 2015 chưa quy định nhưng đã được quy định trong Nghị quyết này, các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định trong Nghị quyết này là:

a) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết” nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

b) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn cònthì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

 – Tại Mục I về dân sự Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có hướng dẫn:

“Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.

Quy định về thời hiệu thừa kế tại Điều 623 của BLDS năm 2015 là quy định mới so với quy định về thừa kế của BLDS năm 2005. Theo quy định tại Điều 645 của BLDS năm 2005, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

2.Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 588 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Đây là điểm mới so với quy định của BLDS năm 2005. Theo quy định tại Điều 607 của BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xạm hại.

3.Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 132 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với: [1] giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;[2] giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; [3] giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; [4] giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và [5] giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức  là 02 năm, kể từ ngày:

– Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

– Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

– Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

– Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

– Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Đây là điểm mới so với quy định của BLDS năm 2005. Theo quy định tại Điều 136 của BLDS năm 2005 thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với: [1] giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; [2] giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; [3] giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa; [4] giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; [5] giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

4.Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng

Theo quy định tại Điều 429 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Đây là điểm mới so với quy định của BLDS năm 2005. Theo quy định tại Điều 427 của BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xạm hại.

5.Thời hiệu khởi kiện theo quy định của luật khác có liên quan

Theo hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về việc thi hành BLTTDS và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính thì:

 “Khi thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính thì cần lưu ý như sau: … Từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.

Như vậy, đối với các tranh chấp dân sự mà có quy định riêng thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo luật chuyên ngành. Có nhiều luật khác quy định về thời hiệu khởi kiện, tác giả liệt kê thời hiệu khỏi kiện một số tranh chấp dân sự cụ thể như sau:

– Yêu cầu Nhà nước bồi thường: 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự (Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017).

– Khởi kiện đòi bồi thường do sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường: 02 năm, kể từ thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại với điều kiện thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa có ghi hạn sử dụng và 5 năm kể từ ngày giao hàng đối với sản phẩm, hàng hóa không ghi hạn sử dụng (Điều 56 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007).

– Khởi kiện người chấp nhận, người phát hành, người ký phát, người bảo lãnh cho người bị ký phát trong trường hợp người thụ hưởng không xuất trình công cụ chuyển nhượng để thanh toán đúng hạn theo quy định tại Điều 43 và Điều 69 của Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 hoặc không gửi thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 50 của Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005: 02 năm, kể từ ngày ký phát công cụ chuyển nhượng (Điều 78 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005).

– Khởi kiện người ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng trước mình, người bảo lãnh, người chấp nhận về số tiền quy định tại Điều 52 của Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 đối với người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại Điều 76 của Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 có quyền: 02 năm, Kể từ ngày người có liên quan này hoàn thành nghĩa vụ thanh toán công cụ chuyển nhượng (Điều 78 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005)

– Khởi kiện người ký phát, người phát hành, người bảo lãnh, người chuyển nhượng, người chấp nhận yêu cầu thanh toán số tiền quy định tại Điều 52 của Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 đối với người thụ hưởng: 03 năm, kể từ ngày công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán (Điều 78 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005).

– Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba ở mặt đất: 02 năm, kể từ ngày phát sinh sự kiện gây thiệt hại (Điều 186 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006).

– Khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với thiệt hại xảy ra cho hành khách, hành lý, hàng hóa: 02 năm, kể từ ngày tàu bay đến địa điểm đến, ngày tàu bay phải đến địa điểm đến hoặc từ ngày việc vận chuyển bị chấm dứt, tùy thuộc vào thời điểm nào muộn nhất (Điều 174 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006).

– Yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh: 05 năm, kể từ khi sự việc xảy ra (khoản 3 Điều 80 Luật Khám chữa bệnh 2009).

– Khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm: 03 năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010).

Khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải: 02 năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp (Điều 336 Bộ luật hàng hải 2015). – Khởi kiện đòi bồi thường tổn thất do hành khách chết, bị thương hoặc tổn hại khác về sức khỏe và mất mát, hư hỏng hành lý: 02 năm từ ngày hành khách rời tàu (trường hợp hành khách bị thương); 02 năm từ ngày lẽ ra hành khách rời tàu (trường hợp hành khách chết trong thời gian vận chuyển); 02 năm từ ngày người đó chết, nhưng không được quá 03 năm kể từ ngày rời tàu (trường hợp hành khách bị thương trong quá trình vận chuyển dẫn đến hậu quả hành khách đó chết sau khi rời tàu); 02 năm từ ngày hành khách rời tàu hoặc ngày lẽ ra hành khách rời tàu, tùy thuộc vào thời điểm nào muộn hơn (trường hợp mất mát, hư hỏng hành lý) (Điều 214 Bộ luật Hàng hải 2015)

 – Khởi kiện về tai nạn đâm va: 02 năm, kể từ ngày xảy ra tai nạn (Điều 290 Bộ luật Hàng hải 2015).

 

Trên đây là phần ý kiến của Công  ty Luật TNHH THÀNH & Luật sư về Cách tính thời hiệu khởi kiện trong  một số vụ việc cụ thể như thế nào? Bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.

Trân trọng & cảm ơn!             

 

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992