Dân sự

Giải quyết tranh chấp dân sự bằng những cách nào?

Ngày đăng: 27-08-2022 09:38:16

Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều những mâu thuẫn lợi ích xảy ra dẫn đến tranh chấp không đáng có. Vậy khi có tranh chấp xảy ra thì có những cách giải quyết như thế  nào? Mời các bạn cũng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Tranh chấp dân sự là gì?

Tranh chấp dân sự là những tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự về các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được pháp luật bảo vệ.

Tranh chấp dân sự vấn đề pháp lý rất rộng, bao gồm: Tranh chấp quyền sở hữu tài sản, tranh chấp quyền thừa kế, tranh chấp về vay nợ cá nhân, tranh chấp hợp đồng dân sự, tranh chấp tiền đặt cọc.

Ngoài ra, tranh chấp dân sự còn bao gồm tranh chấp về ủy quyền và đại diện thay mặt thực hiện các giao dịch dân sự cho đến các yêu cầu về dân sự được Tòa án giải quyết như: Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Yêu cầu tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự, Yêu cầu tuyên bố người mất tích.

Vậy khi rơi vào tranh chấp thì có những cách giải quyết nào?

2. Một số phương thức giải quyết tranh chấp dân sự

Khi phát sinh tranh chấp cần giải quyết, các bên đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết tranh chấp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên là thấp nhất, ít tốn kém về thời gian và tiền bạc nhất.

Vì vậy, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng.

1. Thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, thể hiện ở việc các bên trong tranh chấp chủ động gặp gỡ nhau, bàn bạc, thỏa thuận về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mỗi bên.

Pháp luật về giải quyết tranh chấp không có quy định bắt buộc các bên phải tiến hành thương lượng. Do đó, từ quy trình tổ chức, thực hiện, sự có mặt của các bên, quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các chủ thể, kết quả thương lượng không hề có sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật.

Tất cả đều phụ thuộc vào thiện chí tự giải quyết của các bên.

Trường hợp đạt được thỏa thuận trong cuộc họp thương lương, sau đó có 1 trong các bên không tuân thủ, các bên cũng không thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế.

Phương thức thương lượng rất được các chủ thể ưu tiên lựa chọn ngay khi xảy ra tranh chấp, bởi phương thức này không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, không bị gò bó bởi các quy định chặt chẽ về quy trình tổ chức thương lượng, thành phần tham gia, thời gian thực hiện, cũng như không tốn kém tiền bạc.

Do sự tự giải quyết với nhau, nên tranh chấp không bị làm lớn, không ảnh hưởng đến uy tín của các bên. Cũng bởi không có sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật nên không có sự cưỡng chế thi hành đối với kết quả thương lượng.

2. Hòa giải

Đây là việc các bên tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba là hòa giải viên. Phương thức hòa giải cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, được thực hiện hoàn toàn dựa trên thiện chí của các bên.

So với việc thương lượng giữa các bên trong tranh chấp, khi tiến hhòa giải, các bên được thỏa thuận lựa chọn ra một bên trung gian, độc lập, có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tranh chấp để đưa ra các lời khuyên về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Ý kiến của hòa giải viên chỉ có tính chất tham khảo. Kết quả của phiên hòa giải là sự thỏa thuận của các bên, không phải của hòa giải viên.

Phương thức hòa giải cũng được các bên ưu tiên lựa chọn vì thủ tục nhanh gọn, chi phí thấp, các bên có quyền định đoạt, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, uy tín, bí mật kinh doanh được giữ kín.

Tuy nhiên kết quả hòa giải cũng không được pháp luật bảo đảm thi hành, hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của các bên.

3. Trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một Phương thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong quá trình phát triển của các quan hệ kinh tế và được các chủ thể ưa chuộng.
Phương thức trọng tài do chính các bên trong tranh chấp thỏa thuận lựa chọn, nhưng sẽ được tiến hành theo quy trình pháp luật quy định.

Trong phương thức trọng tài sẽ có một Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là một bên trung gian, độc lập nhằm giải quyết các mẫu thuẫn, tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên.

Ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này là có tính linh hoạt, tạo quyền chủ động cho các bên, tính nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian có thể rút ngắn thủ tục tố tụng trọng tài và đảm bảo bí mật.

Trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc án, quyết định trọng tài không được công bố công khai rộng rãi. Theo nguyên tắc này, các bên có thể giữ được bí mật kinh doanh cũng như danh dự, uy tín của mình. Phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm, đây là ưu thế vượt trội so với hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải.

Sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì các bên không có quyền kháng cáo trước bất kỳ một tổ chức hay tòa án nào. Đồng thời, phán quyết của trọng tài có tính bắt buộc thi hành với các bên. Khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành nhưng có một trong các bên không thực hiện, bên còn lại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành phán quyết của trọng tài.

Tuy nhiên giải quyết bằng phương thức trọng tài đòi hỏi chi phí tương đối cao, vụ việc kéo dài thì chi phí trọng tài cũng cao. Việc thi hành phán quyết của trọng tài không phải lúc nào cũng thuận lợi, trôi chảy.

4. Tòa án

Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống nhất và cũng hiệu quả nhất.
Đây là phương thức có sự tham gia giải quyết của đại diện quyền lực nhà nước là Tòa án nhân dân.

Vì vậy quy trình giải quyết tranh chấp phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng. Đồng thời, bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng hệ thống cơ quan thi hành án của nhà nước.

Trong thực tiễn pháp lý, khi các biện pháp thương lượng, hòa giải, trọng tài không đem lại kết quả, các chủ thể mới lựa chọn đến Tòa án giải quyết, bởi tính rườm rà, phức tạp, thiếu linh hoạt của quy trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

3. Các vấn đề thường gặp trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.

a. Khi có tranh chấp dân sự, công dân có quyền khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án không?

Quyền khởi kiện vụ án dân sự thuộc về cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm hại hay có tranh chấp. Đương sự có thể tự mình thực hiện quyền khởi kiện hoặc có thể thông qua người đại diện hợp pháp của mình.

Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân như sau:

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
  • Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. 

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

b. Khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, người dân có bắt buộc phải nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết không?

       Khi nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp dân sự thì công dân có quyền lựa chọn các biện pháp giải quyết: Tự thỏa thuận với nhau; đưa vụ việc ra hòa giải, hoặc nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự như sau:

  • Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
  • Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

​​

c. Khi khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án, đương sự có cần cung cấp chứng cứ không?

Việc cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp là nghĩa vụ của người khởi kiện.

Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật tố Công dân nộp đơn khởi kiện tụng dân sự quy định.

d. Trong vụ án dân sự, đương sự được mời bao nhiêu luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình?

Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Pháp luật không quy định số lượng tối đa luật sư mà mỗi đương sự được mời để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án dân sự.

Điều 9 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự

e. Tranh tụng có vai trò như thế nào trong xét xử vụ án dân sự? Pháp luật quy định việc bảo đảm tranh tụng như thế nào?

Tranh tụng trong vụ án dân sự là sự trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, đánh giá sự việc giữa các bên dựa trên tài liệu, chứng cứ do các bên đưa ra hoặc do Tòa án xác minh, thu thập được; là cơ sở để Tòa án đánh giá toàn bộ nội dung vụ án và đưa ra phán quyết cuối cùng đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Điều 24 Bộ luật tố tụng dân sự quy định bảo đảm tranh tụng trong xét xử như sau:

  • Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dấn sự.
  • Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
  • Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

 

Trên đây là phần ý kiến của Công  ty Luật TNHH THÀNH & Luật sư về Giải quyết tranh chấp dân sự bằng những cách nào?, bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.

Trân trọng & cảm ơn!             

 

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992