Dân sự

KHI NÀO THÌ NÊN VIẾT DI CHÚC?

Ngày đăng: 07-07-2022 03:20:11

KHI NÀO NÊN VIẾT DI CHÚC?

Nhiều người nghĩ rằng, khi nào gần chết thì mới nên viết di chúc. Nhưng vấn đề là làm sao mình biết khi nào mình gần chết?
Thời điểm nào là thích hợp để viết di chúc? 
Nội dung của di chúc gồm những gì? 
Hiệu lực của di chúc?
Và những vấn đề liên quan đến di chúc được quy định như thế nào?

Dưới đây là những thông tin mà Thành & Luật sư đưa ra theo quy định của pháp luật

1. Thời điểm nào là thích hợp viết di chúc?

Trước tiên, cần tìm hiểu di chúc là gì?

Theo quy định tại Điều 624 BLDS 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Khi đọc tới đây thì nhiều người đã có suy nghĩ là khi nào mình gần chết thì hãy viết di chúc đúng không ạ. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ không đúng và rất có thể nó sẽ gây ra những rắc rối sau này đối với phần tài sản thuộc sở hữu của mình nếu trong trường hợp bạn chết một cách đột ngột vì những lý do khách quan nào đó mà bạn không thể kiểm soát được. Trong trường hợp bạn phát hiện mình bị bệnh hoặc chí ít là khi thấy dấu hiệu của tuổi già thì mình mới ý thức được là bản thân sắp chết và sẵn sàng cho việc viết di chúc. Nhưng rất hiếm khi nào mà chúng ta tự nguyện viết di chúc trong khi mình vẫn còn sống sờ sờ đúng không ạ. Nhiều người quan niệm viết di chúc là một cái gì đó rất xui rủi. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là quyền lợi của bản thân và cũng là quyền lợi của những người mà chúng ta yêu quý nếu như chúng ta muốn sau khi bản thân chết đi, phần tài sản của mình sẽ được chuyển giao cho người xứng đáng. Vậy khi nào thì nên viết di chúc?

Theo quy định của pháp luật thì người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của BLDS 2015 có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Như vậy, khi một người thành niên, tức là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có tài sản riêng thì được quyền viết di chúc. 

Đối với trường hợp người chưa thành niên thì theo quy định tại khoản 2 Điều 625 BLDS 2015 quy định như sau: "người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. 

Những thời điểm thích hợp để viết di chúc là khi chúng ta xác định được thời điểm chúng ta sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Ví dụ trong trường hợp người nam chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự, người phụ nữa mang thai chuẩn bị sinh con, và nhất là trong trường hợp chúng ta chuẩn bị đi du lịch xa. Những rủi ro có thể xảy ra đe dọa đến tính mạng của con người thì tốt nhất mình nên soạn sẵn một tờ di chúc để phòng trong những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Di chúc như thế nào thì hợp pháp?

2. Lập di chúc như thế nào là hợp pháp?

Thứ nhất, về hình thức của di chúc

Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của di chúc như sau:

Điều 627. Hình thức của di chúc

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Điều 628 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc bằng văn bản như sau:

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có công chứng;

- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

 
 

 

Thứ hai về hiệu lực của di chúc

Theo quy định Bộ luật dân sự 2015, di chúc chỉ có hiệu lực khi người để lại di chúc mất. Do đó, khi ông bà bạn mất thì di chúc sẽ có hiệu lực, lúc này bạn sẽ thực hiện thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ ba, về nội dung của di chúc

Pháp luật quy định, di chúc phải đảm bảo các nội dung 

1.  Thông tin người lập di chúc

- Ngày, tháng, năm tiến hành lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
Người lập di chúc cần kê khai chính xác phần lý lịch của bản thân, đảm bảo không có bất cứ sai lệch nào về thông tin, làm ảnh hưởng đến tính hợp pháp của di chúc.

 2.  Thông tin các tài sản thừa kế

- Là toàn bộ những tài sản chung và tài sản riêng của người lập di chúc (người để lại di sản). Bao gồm thông tin cụ thể và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp các tài sản.
- Đối với tài sản là bất động sản như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền trên đất thì sẽ có thông tin về vị trí thửa đất, số tờ bản đồ, số thừa, diện tích đất, nguồn gốc sử dụng đất, … diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng, năm hoàn thành xây dựng … của căn nhà, thông tin về giấy tờ sở hữu như cơ quan cấp, ngày tháng cấp, số phát hành….
- Đối với tài sản là động sản như xe ô tô, xe máy thì phải nêu được thông tin về biển số xe, số giấy đăng ký ô tô, ngày tháng năm cấp đăng ký xe, thông tin về chủ sở hữu, nhãn hiệu, số loại, màu sơn, số khung, số máy, loại xe….
- Đối với tài sản là thẻ tiết kiệm thì phải nêu được thông tin về ngân hàng nơi lập thẻ tiết kiệm, số tiền tiết kiệm, kỳ hạn gửi tiết kiệm, lãi suất gửi tiết kiệm…

 3.  Thông tin người, cơ quan tổ chức hưởng thừa kế

- Phần thông tin của người, cơ quan, tổ chức mà người lập di chúc muốn để lại tại sản phải ghi đầy đủ, chi tiết.
- Nội dung về lý lịch của người nhận tài sản nên ghi rõ bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân với ngày cấp, cơ quan cấp, địa chỉ thường trú. . .Nếu được có thể bổ sung cả thông tin về Giấy khai sinh nếu là người có quan hệ huyết thống và một số giấy tờ khác để chứng minh quan hệ (nếu có).
- Hưởng di sản thừa kế là cơ quan tổ chúc phải ghi rõ tên, địa chỉ đang hoạt động cùng với

4.  Phần ý nguyện của người lập di chúc

- Phần ý nguyện là phần nếu người để lại di chúc có gì muốn dặn dò thêm người nhận di chúc.
- Có thể có phần này hoặc không có phần này. Ví dụ về việc yêu thương anh em, trông nom nhà cửa…

5.  Thông tin phần di sản dùng vào việc thờ cúng (nếu có)

- Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
- Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
- Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
- Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

 6.  Phần di sản tặng, cho (nếu có)

- Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
- Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

7.  Thông tin người làm chứng (nếu có)

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

8.  Đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

- Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
- Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật dân sự 2015.

 9.  Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

- Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng.
- Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
- Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật dân sự 2015.

Với di chúc có công chứng, chứng thực

- Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
- Khi muốn công chứng di chúc thì người lập di chúc bắt buộc phải tự mình đến tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu công chứng di chúc mà không được ủy quyền cho người khác. 

Trên đây là ý kiến của Công ty TNHH MTV THÀNH và Luật sư về " Khi nào thì nên viết di chúc". Bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp Công  ty Luật TNHH THÀNH & Luật sư tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất. 

Trân trọng & cảm ơn!

 

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992