Dân sự

Những trường hợp được chia thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là gì?

Ngày đăng: 07-11-2022 02:18:13

 Thừa kế là một giao dịch dân sự về việc định đoạt tài sản - Dịch chuyển tài sản từ Người chết cho những Người còn sống, sau khi Người để lại tài sản qua đời! Như vậy, Thừa kế là câu chuyện liên quan đến Tài sản - Là Di sản do Người chết để lại. Có 02 dạng thừa kế là: theo di chúc và theo pháp luật. Vậy những trường hợp được chia thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là gì?

1. Các phương thức về Thừa kế

Có 02 phương thức để lại cũng như được hưởng di sản thừa kế, đó là: Thừa kế theo Di chúc và Thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo Di chúc, hiểu nôm na là việc thừa kế theo ý nguyện của Người chết lúc họ đang còn sống. Và nếu Di chúc được lập hợp pháp thì, việc thừa kế theo Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng trước.
Như vậy, chỉ khi nào Chủ thể không để lại Di chúc, Di chúc không hợp pháp hoặc Di chúc không định đoạt hết tài sản, thì lúc đó mới áp dụng phân chia thừa kế theo pháp luật.
Ví dụ: Ông A có 03 căn nhà. Trước khi qua đời, Ông A có lập Di chúc với nội dung để lại căn nhà thứ nhất cho Người con út. Và Di chúc không nhắc gì đến 2 căn nhà còn lại. Ví dụ Ông A có 6 Người con (Vợ đã mất từ lâu). Theo đó, khi Ông A chết, căn nhà thứ nhất sẽ được chia cho Cậu con út theo nội dung Di chúc. 02 căn nhà còn lại, không được nhắc đến trong Di chúc, sẽ được chia đều cho 6 Người con (Có cả phần của Cậu con út). Tức là, không phải vì Cậu út đã nhận một căn nhà, thì không được thừa kế theo pháp luật nữa. Đây là 02 vấn đề khác nhau.

2. Trường hợp được chia thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là gì

 

Đây là vấn đề mà nhiều Bạn thắc mắc nhất: Đã lập Di chúc, lại còn sinh ra những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc, vậy lập Di chúc làm gì???!! Thực ra đây chính là đcông bằng của pháp luật, nhằm bảo vệ một phần những lợi ích cho một số Người nhất định.
Pháp luật quy định, những Người sau đây sẽ được hưởng một phần di sản do Người chết để lại, trong trường hợp Họ không được Người lập Di chúc cho hưởng Di sản hoặc cho hưởng, nhưng ít hơn phần Họ đáng ra được hưởng; Bao gồm:
1. Con chưa đủ 18 tuổi.
2. Cha mẹ của Người để lại Di sản.
3. Vợ hoặc Chồng của Người để lại Di sản.
4. Con đã đủ 18 tuổi, nhưng không có khả năng lao động (Do tàn tật......).
Như vậy, đối với Con đã đủ 18 tuổi và có khả năng lao động, thì không thuộc diện được hưởng Di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc.
** Về giá trị Di sản được nhận của những Người này là bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Đoạn này hơi lằng nhằng, Tác giả sẽ ví dụ cho mọi Người dễ hiểu:
Ví dụ: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi, và có khả năng lao động. Ông A lập Di chúc, để lại toàn bộ tài sản 4 tỷ này, cho Người con cả. Khi Ông A qua đời, di sản được chia như sau:
- Về nguyên tắc, Ông A có Di chúc, nên việc Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên trong trường hợp này, có 02 Người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc: Vợ Ông A; Và Người con út chưa đủ 18 tuổi.
- Giả định, lúc đầu Ông A không có Di chúc, thì có 8 Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng Di sản của Ông A. 4 tỷ chia đều cho 8 Người, tức là mỗi Người 500 triệu.
- Theo đó, Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc được hưởng thừa kế mức bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, tức là 2/3 của 500 triệu = 333 triệu.
- Tóm lại, Bà Vợ được 333 triệu; Đứa con út được 333 triệu. Còn bao nhiêu thuộc về Anh con cả. Những Người con còn lại không được gì.

3. Trường hợp nào không áp dụng chia thừa kế theo di chúc.

Thừa kế thế vị không áp dụng trong trường hợp thừa kế theo Di chúc

a/ Thừa kế thế vị là gì?

Thừa kế thế vị là: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Ví dụ: Ông A có 2 Người con là B và C. Anh B có 1 Người Con là F. Năm 2005, Anh B chết. Năm 2008 Ông A chết không để lại Di chúc. Những Người được hưởng thừa kế theo pháp luật của Ông A là B và C. Nhưng vì B đã chết trước đó, nên F là con B, sẽ được thay cha mình hưởng phần Di sản từ Ông nội của mình.
b/ Vì sao thừa kế theo di chúc không áp dụng đối với thừa kế thế vị?
Về nguyên tắc thì trường hợp thừa kế thế vị chỉ áp dụng trong trường hợp chia tài sản theo pháp luật.
Ví dụ: Ông A có tài sản 2 tỷ. Ông A có 3 Người con là B, C, D. Năm 2005, Ông A lập Di chúc để lại toàn bộ tài sản cho B. Năm 2007, Anh B chết. Năm 2008, Ông A chết. Di chúc của Ông A coi như vô giá trị, vì Anh B đã chết trước đó, con của Anh B không được thế vị cha mình để hưởng Di sản theo di chúc đó. Như vậy, 02 tỷ này sẽ được chia theo pháp luật cho 03 Người con, Anh B đã chết trước đó, nên con Anh B sẽ được thế vị cha mình hưởng phần di sản theo pháp luật.
 

Trên đây là phần ý kiến của Công  ty Luật TNHH THÀNH & Luật sư về Những trường hợp được chia thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là gì? Bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.

Trân trọng & cảm ơn!             

 

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992