Nhiều người cảm thấy nhạy cảm khi nói đến chế độ tài sản của vợ chồng. Một số người cho rằng điều này là không nên vì đã kết hôn thì tài sản của ai cũng như nhau Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và hạn chế tranh chấp về sau, vợ chồng nên xác định chế độ tài sản của mình trước khi tiến tới hôn nhân. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này. Dưới đây là bài tư vấn
Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về tài sản riêng của vợ chồng như sau:
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Có thể thấy, tài sản có trước khi kết hôn của mỗi bên vợ chồng theo khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình được xem là tài sản riêng của vợ chồng.
Và do được xác định là tài sản riêng nên vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình và có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung vợ chồng.
Do đó, nếu không nhập tài sản có trước khi kết hôn vào tài sản chung vợ chồng thì đây vẫn được xem là tài sản riêng vợ chồng và tài sản riêng của ai thì người đó có toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt mà không cần ý kiến của người còn lại.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định:
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, tài sản có trước khi kết hôn là tài sản riêng. Tuy nhiên, nếu nó được nhập vào tài sản chung hoặc không có căn cứ chứng minh đây là tài sản riêng (không chứng minh được nguồn gốc của tài sản là có trước khi kết hôn) thì sẽ bị coi là tài sản chung vợ chồng.
Như phân tích ở trên, tài sản riêng vợ chồng được quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình và hướng dẫn bởi Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP gồm các loại tài sản sau đây:
- Tài sản có trước khi đăng ký kết hôn với nhau.
- Tài sản do vợ hoặc chồng có được do nhận thừa kế hoặc nhận tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.
- Tài sản được phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo thoả thuận của các bên.
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.
- Tài sản khác mà theo quy định thuộc sở hữu riêng của chồng, vợ: Quyền tác giả, quyền sở hữu nhãn hiệu… theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; xác lập tài sản riêng theo quyết định/bản án của Toà án/cơ quan có thẩm quyền; trợ cấp, ưu đãi dành cho người có công với cách mạng; quyền tài sản gắn liền với nhân thân khác…
Theo đó, các tài sản được xem là tài sản riêng của vợ chồng sẽ thuộc quyền sở hữu của vợ chồng. Việc định đoạt tài sản này hoàn toàn dựa trên ý chí của vợ chồng mà không cần phải hỏi thêm ý kiến của bất cứ ai.
Đồng thời, việc thanh toán nghĩa vụ riêng của mỗi người cũng được sử dụng từ tài sản riêng của người đó mà không xuất phát từ tài sản chung vợ chồng trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì khi định đoạt cần phải có sự đồng ý của người còn lại trong hai vợ chồng.
Có thể thấy, việc xác nhận tài sản riêng trước hôn nhân của vợ chồng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tránh tranh chấp xảy ra nếu vợ chồng ly hôn hoặc phân chia tài sản chung, tài sản riêng.
Trên đây là phần ý kiến của Công ty Luật TNHH THÀNH & Luật sư về Có nên xác nhận tài sản riêng của vợ chồng không? Một số quy định của pháp luật về tài sản riêng, bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.
Trân trọng & cảm ơn!