Hình sự

Hành hạ người khác - Tội danh với mức phạt mới nhất theo quy định của pháp luật

Ngày đăng: 07-07-2022 04:34:19

Hành hạ người khác - Tội danh với mức phạt mới nhất theo quy định của pháp luật

1. Tội hành hạ người khác là gì? Tội danh này khác gì với Tội hành hạ ông bà, cha mẹ?

Tội hành hạ người khác hiện nay được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó, hành hạ người khác được hiểu là đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình và bị xử lý hình sự. Cụ thể:

- Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như: Bỏ đói, đánh đập,… và các hành vi đối xử tàn ác thường lặp đi lặp lại. kéo dài trong khoảng thời gian nhất định.

- Hành vi làm nhục là làm cho nạn nhân bị đau đớn về tinh thần, nhân phẩm bị bêu xấu, xuyên tạc bằng các hành vi: Chửi rủa, xỉ vả người khác trước đám đông, tung tin đồn không đúng sự thật khiến danh dự, nhân phẩm của người khác bị ảnh hưởng…

Đáng lưu ý, nạn nhân của Tội hành hạ người khác là những người có quan hệ lệ thuộc với người có hành vi hành hạ nhưng không phải là quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng hay con cái mà là trong các quan hệ xã hội, tôn giáo, công việc…Đây là điểm để ta phân biệt tội hành hạ  người khác với tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ.

Ví dụ: Quan hệ lệ thuộc giữa nhân viên với thủ trưởng, giữa bác sĩ với bệnh nhân, học trò với thầy cô giáo…

Điều này có nghĩa, trường hợp nạn nhân có mối quan hệ hôn nhân, gia đình đối với người có hành vi hành hạ thì không cấu thành Tội hành hạ người khác mà hành vi này sẽ cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, nếu như Tội hành hạ người khác cấu thành hình thức tức chỉ cần có hành vi phạm tội thì được xem là tội phạm hoàn thành, trong khi đó Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng,… lại có cấu thành hình thức tức hành vi phạm tội phải để lại hậu quả (thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần…) thì tội phạm mới được coi là hoàn thành.

2. Mức phạt tội hành hạ người khác được quy định như thế nào? 

Tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định mức phạt Tội hành hạ người khác cụ thể như sau:

– Khách thể của tội phạm:

Tội phạm xâm phạm đến quyền được bảo hộ về thân thể, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc. Người bị lệ thuộc không phải là người trong mối quan hệ với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.

– Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác với người bị lệ thuộc vào người phạm tội. Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như: đánh đập, giam hãm không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm,…

Hành vi làm nhục nạn nhân như: chửi rủa, xỉ vả nạn nhân trước đám đông, tung tin đồn nhảm để người khác tưởng là nạn nhân thật sự xấu xa, tội lỗi…Nạn nhân phải là người lệ thuộc vào người phạm tội.

– Chủ thể của tội phạm:

Người có năng lực TNHS và từ đủ 16 tuổi trở lên. Ngoài ra, chủ thể của tội phạm là người mà nạn nhân bị lệ thuộc như thầy giáo đối với học sinh, thủ trưởng đối với nhân viên…

– Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý.

- Khung 01:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm với trường hợp đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình (không thuộc trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình).

- Khung 02:

Phạt tù từ 01 - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
  • Đối với 02 người trở lên.

a) Người già yếu là người từ 70 tuổi trở lên (điểm i Điều 52 BLHS năm 2015), sinh hoạt sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, chậm chạp…Người ốm đau là người đang bị bệnh tật, có thể điều trị ở bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân hoặc tại nhà riêng của họ. Người không có khả năng tự vệ là người bị tật nguyền, người tàn tật là người có một bộ phận, cơ quan nào đó trong cơ thể bị tật nặng, mất khả năng lao động nên hoạt động không bình thường. Đó là những đối tượng được pháp luật đặc biệt bảo vệ, người có hành vi xâm phạm đến họ thì bị áp dụng khung hình phạt nặng hơn.

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên: gây rối loạn tâm thần biểu hiện trạng thái thần kinh không bình thường, lo âu, sợ sệt, trầm cảm, mất ăn, mất ngủ, hoảng loạn. Đó là biểu hiện của Stress. Cần phân biệt làm rõ rối loạn tâm thần do bệnh lý từ trước hay do sự tác động, sang chấn tâm lý và hậu quả của hành vi phạm tội. Đánh giá mức độ gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân phải căn cứ vào kết luận giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Trên đây là phần ý kiến của Công  ty Luật TNHH Thành & Luật sư về tội danh hành hạ người khác, bạn đọc cần tư vấn các vấn đề về dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân gia đình và doanh nghiệp vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.

Trân trọng cảm ơn!

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992