Hôn nhân và gia đình

Hôn nhân tự nguyện là gì?

Ngày đăng: 22-08-2024 08:44:17

Hôn nhân tự nguyện thể hiện qua chế định kết hôn

Dưới chế độ phong kiến, cha mẹ quyết định việc hôn nhân của con cái, cưỡng ép hôn nhân cho nên tình yêu không thể là cơ sở của hôn nhân.

Ngày nay, hôn nhân mới có điều kiện đảm bảo tự do thực sự. Đó là hôn nhân được xây dựng dựa trên cơ sở tình yêu chân chính giữa nam và nữ. 

Sự liên kết bằng tình yêu đó được Nhà nước thừa nhận dưới hình thức pháp lý qua việc đăng ký kết hôn. Đăng ký kết hôn làm xác lập quan hệ hôn nhân và là cơ sở để hình thành gia đình.

Theo Luật HN&GĐ Việt Nam, kết hôn được hiểu là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn. Quyền kết hôn là quyền gắn với nhân thân của mỗi bên nam nữ, quyền này được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Kết hôn do hai bên nam, nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được ép buộc, cản trở. Sự tự nguyện của hai bên nam, nữ là điều kiện kết hôn luật định, nếu thiếu sự tự nguyện của một trong hai bên nam, nữ thì không đủ điều kiện để kết hôn. Trường hợp đã kết hôn mà vi phạm sự tự nguyện thì về nguyên tắc, quan hệ đó không được thừa nhận là hôn nhân. 

Bất kể người nào ép buộc hoặc cản trở việc kết hôn đều vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện tiến bộ và không được pháp luật công nhận. Nam và nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì được lập gia đình một cách tự do, trên cơ sở tự nguyện mà không bị ai ép buộc, ngăn cản. 

Khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ 2014 qui định, cấm các hành vi: Kết hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Yêu sách của cải trong kết hôn.

Để đảm bảo nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được thực hiện trong thực tế, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau: 

– Độ tuổi kết hôn

Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định độ tuổi kết hôn đối với nam là “từ đủ 20 tuổi trở lên”, còn đối với nữ là “từ đủ 18 tuổi trở lên”. Việc xác định độ tuổi như vậy căn cứ vào sự phát triển tâm sinh lý của con người, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội nước ta. Ở độ tuổi này, nam, nữ có sự phát triển đầy đủ về  sức khỏe thể chất để đảm đương vai trò làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ và bảo đảm con cái họ sinh ra được khỏe mạnh. Bên cạnh đó, khi nam, nữ đạt độ tuổi trưởng thành, họ có thể tự nhận thức, tự lựa chọn và tự đưa ra quyết định đối với hôn nhân của mình, cha mẹ khó áp đặt, ép buộc lấy người mà họ không có tình cảm.

– Sự tự nguyện thật sự của cả hai bên kết hôn

Điểm b khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 qui định “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”. Tự nguyện hoàn toàn trong việc kết hôn là hai bên nam nữ tự mình quyết định việc kết hôn và thể hiện ý chí là mong muốn trở thành vợ chồng của nhau. Mỗi bên không chịu tác động của đối phương hay bất kì người nào khác khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của bản thân. Sự tự nguyện kết hôn phải thể hiện rõ là họ mong muốn được gắn bó với nhau, cùng nhau chung sống suốt đời nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của hai người, đảm bảo cho họ được tự do thể hiện ý chí và tình cảm khi kết hôn. 

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự

Nhằm bảo đảm cho cả nam và nữ tự do thể hiện ý chí và tình cảm khi kết hôn, pháp luật hôn nhân gia đình quy định người kết hôn phải “không bị mất năng lực hành vi dân sự”, tức là họ không bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.

Trên đây là ý kiến của Công ty TNHH MTV THÀNH và Luật sư về "Hôn nhân tự nguyện là gì ?". Bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp Công  ty Luật TNHH THÀNH & Luật sư tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất. 

Trân trọng & cảm ơn!

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992