Việc lập di chúc hiện nay không còn quá xa lạ nữa, một số người trước khi mất đã làm di chúc sau đó nhờ những người thân tính của mình cất giữ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người được giao nhiệm vụ đó vì muốn trục lợi cho bản thân mà đã che giấu di chúc hoặc tiêu hủy nó. Vậy hành vi đó bị xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người không được hưởng quyền hưởng di sản thừa kế như sau:
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Theo quy định trên, người có hành vi che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì sẽ không được hưởng di sản thừa kế.
Tuy nhiên, trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi của những người che giấu di chúc, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì người này vẫn được hưởng di sản.
Hiện tại, pháp luật không có quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi che giấu di chúc. Tuy nhiên, đối với hành vi trên thì có thể xem xét theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
đ) Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Như vậy, hành vi che giấu di chúc để hưởng di sản thừa kế có thể xem là hành vi gian dối để chiến đoạt tài sản của người khác.
Đối với hành vi trên thì mức xử phạt hành chính là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Nếu đã hưởng di sản thừa kế thì sẽ buộc tịch thu để hoàn trả lại cho người thừa kế theo di chúc.
Tùy thuộc vào mục đích của việc che giấu di chúc là gì mà người thực hiện hành vi đó có bị buộc tội hay không. Nếu hành vi che giấu di chúc nhằm chiếm đoạt tài sản của người được hưởng thừa kế thì có thể bị truy cứu tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a và điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, tùy theo tính chất của vụ việc mà người có hành vi che giấu di chúc để chiếm đoạt di sản thừa kế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với 04 khung hình phạt.
Trên đây là phần ý kiến của Công ty Luật TNHH MTV THÀNH & Luật sư về Hành vi che giấu di chúc thì bị xử lý như thế nào? Bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.
Trân trọng & cảm ơn!