Dân sự

Rút đơn khởi kiện khi nào? Đơn xin rút đơn khởi kiện mới nhất 2023

Ngày đăng: 12-01-2023 09:27:58

1. Đơn khởi kiện là gì ?

Đơn khởi kiện được biểu thị dưới dạng văn bản mà trong đó, đương sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền hoặc lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Đơn khởi kiện được pháp luật quy định cả trong Tố tụng Hình sự và Tố tụng dân sự như sau:

- Trong tố tụng hình sự: đơn khởi kiện được dùng với nghĩa là yêu cầu của người bị hại về việc khởi tố vụ án hình sự để bảo vệ lợi ích của mình bị tội phạm xâm hại,

- Trong tố tụng dân sự: đơn khởi kiện là cách thức để đương sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình. Pháp luật yêu cầu đơn khởi kiện phải chứa đựng những thông tin cần thiết như: ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; thông tin của người khởi kiện; thông tin của người có quyền và lợi ích liên quan (nếu có); thông tin của người bị kiện; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;  người làm chứng (nếu có); các loại tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp; các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Trường hợp người khởi kiện là cá nhân phải kí tên hoặc điểm chỉ; nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải kí tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 cũng quy định về chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự như sau:

Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Theo như Điều luật quy định, các chủ thể trên là những chủ thể được phép tham gia vào quan hệ pháp luật Tố tụng dân sự (bên khởi kiện).

Theo đó, khi bên khởi kiện tiến hành làm đơn khởi kiện lên Tòa án Nhân dân các cấp thì đồng thời bên khởi kiện cũng sẽ là chủ thể sẽ yêu cầu rút đơn khởi kiện vụ việc dân sự trong trường hợp các bên có sự thỏa thuận hoặc hòa giải.

2. Đơn đề nghị rút đơn khởi kiện là gì ?

Đơn đề nghị rút đơn khởi kiện là văn bản do cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây được hiểu là bên khởi kiện) gửi đến tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền giải quyết vụ việc mà trước đó họ đã gửi đơn khởi kiện để được đáp ứng nguyện vọng là rút đơn khởi kiện.

Đơn đề nghị rút đơn khởi kiện được sử dụng trong trường hợp bên khởi kiện (nguyên đơn) gửi văn bản đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền để thông báo về việc chủ thể này không có nhu cầu tiếp tục khởi kiện đến bên bị kiện (bị đơn) do các bên đã thống nhất thỏa thuận tự giải quyết hoặc đồng tình với những giải pháp một trong hai bên đưa ra.

3. Quy định pháp luật về những giai đoạn được Đề nghị rút đơn khởi kiện ?

Theo Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 đưa ra những trường hợp bên khởi kiện có quyền rút đơn khởi kiện như sau:

– Trong Giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án, Theo Điều 192 về Trả lại đơn khởi kiện- Điểm g- Khoản 1 quy định: “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện”. Tại giai đoạn đầu tiên trước khi thụ lý đơn khởi kiện mà bên khởi kiện muốn rút đơn thì Tòa án sẽ xem xét trả lại đơn khởi kiện và trong trường hợp này do Thẩm phán được phân công thực hiện.

– Trong Giai đoạn về Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử, sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, việc rút đơn khởi kiện của đương sự sẽ được Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án theo Điều 217: Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự- Điểm c- Khoản 1 quy định: “Người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện”; đồng thời theo Khoản 4- Điều 217 cũng quy định "trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì trong trường hợp này việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải có sự đồng ý của bị đơn và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan".

– Trong Giai đoạn Bắt đầu phiên tòa, tiến hành xét xử sơ thẩm thì Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định cụ thể về trường hợp Thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo Điều 244- Khoản 2 như sau: “Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút".

 

–Trong Giai đoạn bắt đầu tòa phúc thẩm, sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa có thể lấy ý kiến của nguyên đơn theo Điểm a- Khoản 2- Điều 298 như sau: "Hỏi nguyên đơn có rút đơn khởi kiện hay không". Như vậy tại thời điểm này, khi Tòa án tiến hành xem xét và thụ lý lại phần bản án mà có đơn kháng nghị, kháng cáo, Tòa sẽ đưa ra câu hỏi khách quan để nguyên đơn kháng cáo, kháng nghị xem xét.

- Trong Giai đoạn trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Hội đồng xét xử phải hỏi bị đơn Theo Khoản 1- Điều 299 nếu “bị đơn đồng ý thì Hội đồng xét xử ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án”. Trong trường hợp này, tại Khoản 2- Điều 299 quy định: “nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục chung do BLTTDS quy định". 

Như vậy có thể thấy, đối với hành vi “rút đơn khởi kiện”, nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ việc dân sự cũng có quy định khác nhau cho từng trường hợp cụ thể. Bên khởi kiện (bên nguyên đơn) hoàn toàn có quyền rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình hoặc tiến hành khởi kiện lại quyết định phúc thẩm bị đình chỉ.

4. Thủ tục rút đơn yêu cầu khởi kiện dân sự ?

- Thủ tục mà chủ thể thực hiện để yêu cầu rút đơn khởi kiện như sau:

  •  Nguyên đơn gửi yêu cầu rút đơn khởi kiện tại Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết vụ án.
  •  Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
  • Trong quá trình xem xét thụ lý vụ án, nếu người khởi kiện rút đơn thì Tòa án nơi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện sẽ trả lại đơn khởi kiện.
  • Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
  • Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Về tiền tạm ứng án phí:

Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định Theo Điều 217 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho người khởi kiện theo quy định tại Khoản 3- Điều 218 Luật này.

Sau khi làm đơn yêu cầu rút đơn, trường hợp bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm và một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Trên đây là phần ý kiến của Công  ty Luật TNHH MTV THÀNH & Luật sư về Rút đơn khởi kiện khi nào? Đơn xin rút đơn khởi kiện mới nhất 2023? Bạn đọc cần tư vấn kỹ hơn về vấn đề này vui lòng đến trực tiếp công ty tại địa chỉ: 106 Tên Lửa, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP. HCM hoặc liên hệ hotline: 0914 307 992 – 0564 992 992 để được tư vấn đầy đủ, kịp thời và chính xác nhất.

Trân trọng & cảm ơn!

 

 

Bài viết liên quan

Copyright © 2022 - thanhluatsu.com Bản quyền thuộc về Thành Luật sư
0914 307 992